Nuôi tôm sú thâm canh được xác định là mang lại nguồn thu lớn. Vậy bà con đã nắm vững những kỹ thuật quan trọng để quá trình nuôi tôm diễn ra được thuận lợi chưa? Câu trả lời được tổng hợp ngay sau đây, xin mời mọi người cùng theo dõi nhé.
Mục lục
Thế nào là nuôi tôm sú thâm canh?
Đây là hình thức nuôi có đầu tư bài bản. Người sản xuất phải có trình độ kỹ thuật cùng kinh nghiệm thực tiễn. Mô hình này chủ động từ giống đến thức ăn nhân tạo và cả tự tạo đến các yếu tố môi trường. Diện tích dao động trong khoảng 0,5 – 1 ha.
Bên cạnh đó, mô hình thâm canh đòi hỏi diện tích ao chứa lắng khoảng 30% diện tích nuôi, độ sâu 1,5 -2m. Mật độ giống 25 – 40 con/ m². Năng suất xấp xỉ khoảng 3 tấn/ ha/ vụ.
8 kỹ thuật nuôi tôm sú thâm canh quan trọng nhất
Lựa chọn ao nuôi và mùa vụ nuôi tôm
– Thiết kế ao lắng chiếm 30% diện tích so với ao nuôi
– Chọn ao nuôi có diện tích 3000-5000 m2, dễ chăm sóc quản lý.
– Tập trung nuôi tôm trong vụ chính, bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 1 năm sau. Vụ phụ mùa mưa hạn chế tối đa việc thả nuôi hoặc chuỵển sang nuôi một số loại hải sản khác như: cá diêu hồng, rô phi…
Bố trí hệ thống cống thoát nước riêng biệt
Ao nuôi cần có hệ thống cống cấp thoát nước riêng biệt. Hai cống đặt chéo góc nhau, cống thoát đặt ở cuối hướng gió, cống cấp đặt đầu gió.
Ngoài ra, đáy ao nghiêng dần từ cống cấp đến cống thoát. Cấp đủ và thoát cạn nước ao trong thời gian không quá 6 tiếng.
Cải tạo, xử lý ao nuôi tôm
Thực hiện trước khi thả giống 15-20 ngày, áp dụng cho ao nuôi và ao lắng. Công việc đầu tiên là xả cạn nước ao nuôi, sên vét đưa lớp bùn đáy ra ngoài xa khu vực nuôi, hạn chế tối đa mức độ ảnh hưởng ngược trở lại từ lớp bùn đáy tới nguồn nước, khu vực nuôi…
Chừa lớp bùn đáy dày 3-5cm, đồng thời san bằng phẳng đáy ao.Trước khi tiến hành công đọan bón vôi cần kiểm tra độ phèn (pH) đất và nước khu vực ao nuôi.
– Ao có độ pH từ 5.5-6 dùng vôi nông nghiệp (CaCO3), hoặc vôi sống (CaO) bón xuống ao với liều lượng 7 – 10kg/100mét vuông.
– Ao có độ phèn 4.5 – 5 trước khi bón vôi cần xả xổ nhiều lần (rửa ao).Lượng vôi dùng 15-20kg/100mét vuông, phơi nắng từ 3-5 ngày trước khi lấy nước vào ao.
Xử lý gây màu nước phù hợp để tôm sú sinh trưởng
Lấy nước vào ao qua lưới chắn tạp, địch hại. Mức nước quy định từ 1.2-1.5m. Không xử lí nước ngay sau khi lấy vào ao vì một số loại địch hại tồn tại ở dạng trứng, có vỏ canxi rất dày bao bọc.
Sau khi lấy nước, để thời gian từ 7-10 ngày, chờ trứng các lòai địch hại nở ra. Dùng Chlorine lượng 30g/mét khối nước để xử lí, sau 5 ngày tiến hành gây màu nước. Sử dụng phân vô cơ DAP hòa nước tạt đều quanh ao lượng 300-500g/100m2, có thể hỗ trợ thêm 1kg bột cá + 1kg bột đậu nành cho mỗi 100 mét vuông ao để màu mau lên. Khi nước có màu vàng vỏ đậu xanh thì tiến hành thả giống.
Chọn lựa con giống
Giống đều cỡ, đạt chiều dài từ 1.2-1.5cm.Đầy đủ phụ bộ như râu, chân bò, chân bơi, chũy, đuôi. Thân hình cân đối, họat động linh hoạt, màu sắc tươi sáng.
Khi tôm vào thau nước quay nhẹ, tôm có xu hướng đi ngược dòng nước và phân bố đều quanh thau, không tụ thành đám ở giữa thau. Dùng 2-3cc Formaline cho vào 10 lít nước, cho 100 tôm post vào, sau 2 giờ tỉ lệ chết không quá 5%, đánh giá tôm tốt.
Hoặc đột ngột hạ độ mặn của trại giống xuống 50%, cho 100 tôm post vào, sau 2 giờ ,tỉ lệ chết không quá 5%, đánh giá tôm tốt. Ngoài ra, phương pháp test PCR cần cân nhắc thực hiện, vì mức độ chính xác cao hơn.
Mật độ thả tôm giống
Kích cỡ giống post 15 nếu nuôi Bán thâm canh thả nuôi ở mật độ 20 con/mét vuông. Trường hợp nuôi thâm canh thì thả mật độ 30 con/m2 ao.
Thức ăn cho tôm
Dùng thức ăn công nghiệp dạng viên cho tôm ăn. Những ngày đầu bổ sung thêm cá biển hấp chín, sữa bột giàu canxi, lòng đỏ trứng gà luộc chín. Cứ 100.000 post, mỗi ngày bổ sung 300-500g cá biển hấp, 200-300g sữa, 5-10 lòng đỏ trứng.
Chăm sóc trong quá trình nuôi
Không thay nước, nhất là trong tháng nuôi đầu. Từ tháng nuôi thứ 2 chỉ châm thêm khi nước trong ao nuôi bị thất thoát do bốc hơi. Nguồn nước thay lấy từ ao lắng qua, và được làm sạch, loại bỏ tạp vật trước khi dùng.
Tháng nuôi thứ 2 trở đi trong khẩu phần thức ăn trộn thêm Vitamin C lượng 1-3g/kg thức ăn. Ngoài ra dùng thêm các loại men tiêu hóa, men đường ruột trộn vào thức ăn, mục đích nhằm kích thích tôm ăn mồi nhiều hơn.
Từ tháng nuôi thứ 2, định kỳ 10-15 ngày dùng các loại chế phẩm sinh học bón xuống đáy ao, giúp cải thiện nền đáy, duy trì hệ tảo, giảm thiều khí độc sinh ra nơi đáy ao.
Trên đây là giới thiệu sơ bộ của chúng tôi về 8 kỹ thuật cần lưu ý khi nuôi tôm sú thâm canh. Chỉ cần nắm vững 8 lưu ý quan trọng trên, tin chắc rằng bà con sẽ có một vụ mùa nuôi tôm sú thành công và mang về nguồn thu lớn.
Trích dẫn từ haisancamau.com
Lê Dung