Thời tiết ngày nắng nóng, oi bức, thỉnh thoảng có không khí lạnh vào chiều tối và đêm. Có khi còn có mưa dông nên sẽ rất bất lợi trong việc nuôi tôm hùm. Để tôm hùm ít nhiễm bệnh và phát triển tốt cần phải lưu ý những điều sau đây.
Mục lục
Chủ động theo dõi thời tiết
Ở nhiệt độ từ 28-32oC, tôm sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh nhất khi được nuôi. Do đó khi nhiệt độ xuống thấp dưới 26oC hoạt động của hệ thống thần kinh của chúng bị ảnh hưởng. Điều này khiến khả năng bắt mồi, tiêu hóa thức ăn, sức đề kháng giảm đáng kể. Khi thời tiết nắng nóng, dịch bệnh trên tôm hùm dễ bị bùng phát. Nên người nuôi cần phải chủ động hơn trong khâu chăm sóc, quản lý lồng bè nuôi tôm hùm.
Chủ động theo dõi diễn biến thời tiết, để chủ động xử lý tình huống trong quá trình nuôi. Đồng thời thường xuyên theo dõi Trung tâm quan trắc môi trường và Bệnh thuỷ sản miền Trung, Trung tâm Giống và Kỹ thuật thuỷ sản tỉnh Phú Yên về kết quả quan trắc môi trường….
Người nuôi chỉ thả giống khi nhiệt độ thật sự ổn định; đặc biệt không thả khi đang mùa gió lạnh tràn về. Bởi vì nhiệt độ lạnh sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng và phát triển của tôm. Nếu sau khi thả giống lại gặp những cơn mưa bất thường người nuôi cần dùng vôi bột rải đều trên khắp bờ, mặt ao.
Kiểm tra các yếu tố về chỉ tiêu nguồn nước
Trung tâm Giống Nông nghiệp Phú Yên vừa thông báo kết quả quan trắ; cảnh báo môi trường nước định kỳ tại các vùng nuôi tôm hùm lồng, bè tại TX Sông Cầu.
Theo đó, một số chỉ tiêu nằm ngoài ngưỡng giới hạn cho phép (GHCP). Cụ thể, nhiệt độ nước tiếp tục vượt ngưỡng GHCP tại Phước Lý – Xuân Yên (mẫu nước tầng mặt và giữa) dao động 30,5 – 31 độ C. Chỉ tiêu NH3 vượt ngưỡng GHCP tại 2/12 vị trí các vùng nuôi Dân Phú – Xuân Phương (mẫu nước tầng đáy) và Phước Lý – Xuân Yên (mẫu nước tầng giữa) dao động 0,10 – 0,14 mg/l. Như vậy, so với các lần quan trắc môi trường (QTMT) của đầu tháng 5/2020; chỉ tiêu NH3 có biến động tăng.
Ngược lại, hàm lượng DO (Oxy hòa tan) có biến động giảm; so với các lần QTMT của đầu tháng 5/2020 và đang có xu hướng giảm so với ngưỡng GHCP. Cụ thể, hàm lượng DO trong nước thấp hơn GHCP tại 3/12 vị trí các vùng nuôi như Dân Phú – Xuân Phương (mẫu nước tầng giữa và đáy) và Phước Lý – Xuân Yên (mẫu nước tầng đáy) dao động 3,2 – 3,7 mg/l.
Đối với mật độ Vibrio tổng số vượt ngưỡng GHCP tại 1/12 vị trí vùng nuôi Phú Dương – Xuân Thịnh (mẫu nước tầng giữa).
Chăm sóc tôm hùm khi thời tiết thất thường
Trong khi theo dự báo thời tiết trong những ngày tới, các tỉnh Nam Trung Bộ có nắng nóng. Nhiều nơi có nắng nóng gay gắt, thỉnh thoảng có mưa dông vào chiều tối và đêm.
Do đó, để tránh thiếu oxy cục bộ cho tôm nuôi, Trung tâm Giống Nông nghiệp Phú Yên khuyến cáo người nuôi nên duy trì lồng nuôi tại tầng giữa hoặc cách đáy khoảng 1,5 – 2,0 m. Đồng thời dùng lưới lan (hai lớp) che mát trên mặt lồng nhằm làm giảm cường độ ánh sáng và chống tôm bị stress. Bên cạnh đó, người nuôi nên treo các túi vôi ở các góc lồng nhằm hạn chế tảo tàn do mưa dông; sát trùng môi trường nước, ổn định pH tạm thời…
Trường hợp trời oi, đứng gió cần phải sục khí để cung cấp oxy hòa tan cho tôm nuôi; nhất là các vùng nuôi Xuân Phương và Xuân Yên đang có DO thấp.
>> Xem thêm: Hướng dẫn chăm sóc tôm đúng cách khi có áp thấp nhiệt đới đến
Theo dõi sức khỏe tôm thường xuyên
Ngoài ra, các hộ nuôi thường xuyên theo dõi diễn biến môi trường; màu nước chú ý kiểm tra sự phân tầng của nước. Nhất là vùng nuôi Phước Lý – Xuân Yên tiếp tục có nhiệt độ nước vượt ngưỡng GHCP. Cũng như theo dõi hoạt động, sức khỏe tôm nuôi khi trời nắng nóng và đứng gió; để có những giải pháp xử lý kịp thời.
Người nuôi thu bán khi tôm đạt kích cỡ thương phẩm; hạn chế thả nuôi mới và san thưa mật độ nuôi trong lồng, giãn khoảng cách giữa các lồng nuôi. Cần tăng cường vệ sinh lồng nuôi sạch sẽ; tạo sự thông thoáng cho lồng nuôi và vùng nuôi.
Điều chỉnh giảm lượng thức ăn phù hợp trong thời gian nắng nóng; oi bức, tránh để thức ăn dư thừa tầng đáy gây ô nhiễm môi trường vùng nuôi. Nên lựa chọn nguồn thức ăn tươi, đảm bảo chất lượng; cần thiết sát trùng thức ăn bằng thuốc tím để đảm bảo an toàn cho tôm nuôi.
Định kỳ nên bổ sung các chế phẩm sinh học; vitamin và khoáng chất nhằm tăng cường sức đề kháng cho tôm nuôi tránh các tác nhân gây bệnh…
Trích dẫn từ chephamsinhhoc.net
Thùy Vân