
Nếu bà con nông dân muốn có đàn cừu mẹ và cừu con luôn khỏe mạnh, thì bà con cần chú ý những phương pháp chăn nuôi cừu sau đây để áp dụng vào trong mô hình chăn nuôi của mình nhé.
Bài viết sau đây sẽ giúp cho bà con hiểu rõ hơn về cừu cũng như các kỹ thuật chăn nuôi hiệu quả.
Mục lục
Tìm hiểu thông tin sơ lược của cừu
Cừu nhà (có tên khoa học là: Ovis aries), còn được gọi với nhiều cái tên khác như là trừu, chiên, mục dương, dê đồng. Loài vật này được biết đến là một loại gia súc trong họ bò rừng. Nó là một trong những vật nuôi đầu tiên được nuôi để lấy lông, thịt, sữa, mỡ và da. Tính tới thời điểm hiện tại, có hơn 1 tỷ con cừu trên khắp thế giới. Cừu có nhiều khả năng được thuần hóa từ các mouflon ở khu vực châu Âu và châu Á. Cừu còn được biết là một trong những động vật được thuần hóa sớm nhất được sử dụng cho mục đích nông nghiệp, chẳng hạn như len, thịt và sữa.
Lông cừu là loại sợi động vật được sử dụng rộng rãi nhất và thường được thu hoạch bằng cách cắt lông. Ngày nay, cừu vẫn là nguồn cung cấp thịt và len quan trọng, ngoài ra con cung cấp da, sữa. Hơn thế nữa, cừu còn là loài động vật cũng được sử dụng trong nghiên cứu khoa học.
Giống cừu nổi tiếng dùng để lấy thịt là cừu Lincoln của Anh. Cừu cũng phân bố ở Mông Cổ, Tây Tạng, Trung Á và Châu Đại Dương. Giống cừu tốt nhất là Merino. Cừu là loại dễ tính, có thể ăn cỏ khô, ưa khí hậu khô, không chịu ẩm ướt và sinh sản ở các vùng khô hạn, sa mạc và bán sa mạc, đặc biệt là các vùng cận nhiệt đới là chủ yếu.
Phương pháp chăm sóc và phòng bệnh cho cừu mẹ khi sinh sản
Đối với cừu trước khi sinh sản
Chu kỳ động dục của cừu cái 16-17 ngày. Sau khi cho phối giống qua thời gian trên mà không có biểu hiện động dục lại là có triệu chứng có chữa.
Căn cứ vào ngày phối giống để kịp thời đỡ đẻ cho cừu (Cừu mang thai 146-150 ngày), tránh đẻ bất ngờ làm chết cừu sơ sinh.
Có thể bồi dưỡng thêm thức ăn tinh và rau cỏ non cho cừu chửa nhưng tuyệt đối tránh thức ăn hôi mốc.
Khi có dấu hiệu sắp đẻ như: bầu vú căng, xuống sữa, sụt mông, âm hộ sưng to, có lớp dịch trên niêm mạc âm hộ, cào bới sàn, nên nhốt ở ô chuồng riêng có ổ rơm hoặc đi chăn gần và tránh đồi dốc cao.
Đối với cừu trong quá trình sinh sản
Thông thường cừu mẹ nằm đẻ nhưng cũng có một số trường hợp cừu đứng đẻ, khi đó nên đỡ để cừu con sơ sinh khỏi bị rớt mạnh.
Sau khi đẻ, cừu mẹ tự liếm cừu con cho khô. Tuy nhiên vẫn lấy khăn sạch lau nước nhầy ở miệng, ở mũi cho cừu con sơ sinh dễ thở. Xong lấy dây sạch buộc cuốn rốn (cách rốn 5-6cm) dùng kéo hoặc dao cắt cách nơi buộc 2-3cm. Bôi cồn Iốt để sát trùng.
Cần giúp cho cừu con sơ sinh đứng lên bú được sữa đầu; (chứa nhiều chất bổ dưỡng giúp cừu sơ sinh chống được bệnh tật).
Đẻ xong cừu mẹ khát nước nhiều nên cho cừu mẹ uống nước thoải mái (nước có pha đường 1% hoặc muối 0,5%).
Kỹ thuật chăn nuôi cừu con
10 ngày đầu sau khi đẻ, cừu sinh ra cho bú mẹ tự do.
Từ 11-21 ngày tuổi, cừu con bú mẹ 3 lần trong ngày (sáng, trưa, chiều); nên tập cho cừu con ăn thêm thức ăn tinh và cỏ non, đến 80-90 ngày tuổi có thể cai sữa cừu con.
Cừu thịt: gốm các cừu đực đã cai sữa và con giống thải loại; trước khi xuất chuồng 2 tháng cần có ô chuồng nhốt riêng để bổ sung thức ăn (vỗ béo); nhằm tăng được trọng lượng lúc xuất bán. Thức ăn bổ sung có thể là: thức ăn tinh, cỏ xanh, củ, quả, phụ phẩm nông nghiệp…
Bà con thấy phương pháp chăn nuôi cừu này có đem lại hiệu quả cao không nào. Nếu cảm thấy có thì hãy áp dụng ngay trong chăn nuôi nhà mình nhé.
Trích dẫn từ Kythuatnuoitrong.edu.vn
Bích Oanh