
Ngỗng là loại có trí nhớ tốt. Chúng có thể nhớ đường về nhà chỉ sau một vài lần đi lại. Nhưng không nên để chúng đi quá xa nơi ở. Vì có thể sẽ làm chúng mệt. Dưới đây là kinh nghiệm nuôi ngỗng trong mùa sinh sản.
Mục lục
Có thể nuôi ngỗng theo phương pháp chăn thả
Những vị trí tốt để chăn thả ngỗng là bờ đê, ruộng vừa gặt, hay bãi cỏ non,… Ngỗng rất ghét cỏ già vì dai. Cũng có thể lùa đàn ngỗng dọc theo các đường mương. Chúng có thể kiếm thức ăn tạp quanh đó.
Khi đến các hồ, ngỗng không mò kiếm ăn như vịt. Chủ yếu chúng sẽ bơi cho mát người. Đó là lí do vì sao bạn ít thấy ai thả ngỗng ở bãi biển.
Nhưng ngỗng Việt Nam siêng năng hơn. Chúng chỉ nằm nghỉ khi đã no nê; hoặc thời tiết quá nóng hay bị bẩn người và cần tắm ao.
Trong mùa sinh sản, ngỗng có thể “quản” đàn ngỗng con từ 50 đến 300 con.

Các thời kỳ nuôi ngỗng sinh sản
Thời kỳ sinh sản
Trong mùa sinh sản, ngỗng thường đẻ chừng 3 đợt. Đợt đầu tiên có thể lâu hơn. Nhưng ngỗng cái không đẻ cùng lúc với nhau. Chúng có đặc tính nhớ ổ đẻ của mình. Nên nếu đang cùng đàn mà muốn đẻ thì sẽ tự tách đàn để đi đẻ. Khi đẻ xong ngỗng tự đi ra đồng cùng kiếm ăn với đàn. Nhìn chung trứng ngỗng tỉ lệ có phôi không cao và nếu không có cách quản lý nuôi dưỡng thì có khi tỉ lệ phôi rất thấp.
Nâng cao sản lượng trứng
– Cho ngỗng đực ăn thêm thức ăn bổ sung. Vào trước vụ để tách riêng ngỗng đực cho ăn thêm khoảng 15 ngày. Ngỗng đực được ăn tốt sẽ cho phẩm chất tinh dịch tốt. Thức ăn bổ sung là lúa ủ mầm mới nhú, cũng có thể cho ăn thêm thức ăn hỗn hợp bao gồm bột cá, cám trộn với rau xanh…
– Khi thành lập đàn cần lưu ý đến tỉ lệ ngỗng ở các lứa tuổi khác nhau. Đàn ngỗng bố mẹ có thể sử dụng đến 5 năm, trong đàn nên có 10% ngỗng 1 năm tuổi, 20% 2 năm tuổi, 35% 3 năm tuổi, 25% 4 năm tuổi và 10% 5 năm tuổi.
– Thường ngỗng hay giao phối vào buổi sáng sớm sau khi thả ra khỏi chuồng, vì vậy khi thả ngỗng cần lùa chúng xuống ao hồ nước sạch và sâu để chúng giao phối được thuận lợi
– Buổi chiều lùa ngỗng về nếu thấy ngỗng còn đói thì nên cho ăn thêm thóc, bắp. Ngỗng đẻ được ăn no sẽ đẻ đều và có khả năng chịu đực tốt hơn.

Thức ăn cho ngỗng sinh sản
Có thể sử dụng rất nhiều loại nguyên liệu, sản phẩm phụ nông nghiệp cho ngỗng ăn hoặc sử dụng thức ăn hỗn hợp dạng viên kết hợp với thức ăn xanh (chiếm 30 – 40%) và thức ăn hạt. Nuôi ngỗng nên tận dụng các loại thức ăn mà địa phương sẵn có thì giá thành hạ. Những nguyên liệu thức ăn dùng được cho ngỗng: Gạo, thóc, ngô, đỗ tương, tấm, cám, cá tép, cua, ốc, don, dắt….. bã bia bã rượu, khoai rau bèo… nếu thức ăn được nấu chín thì khả năng tiêu hoá và hấp thụ tốt hơn và có hiệu quả kinh tế hơn.
Giai đoạn ấp trứng
Ổ đẻ có thể làm chung quanh tường trong chuồng, khoét nền chuồng thành hình lòng chảo có đường kính 40cm, sâu 20cm, lấy rơm vò mềm rồi lót lên ổ một lớp dày 15cm, có thể đổ thêm trấu vào ổ. Giữa các ổ nên có vách ngăn để tránh tình trạng ngỗng tranh nhau ổ đẻ và đánh cắp trứng ấp của nhau. Khi ngỗng ấp cần san trứng trong mỗi ổ cho đều. Ngỗng cái ham ấp. Vì thế nên để thức ăn và nước uống sẵn trong chuồng.
Giai đoạn ngưng đẻ
Thời kỳ này kéo dài từ cuối tháng 4 đến tháng 8. Trong thời gian này không phải cho ngỗng ăn thêm gì, vì ngỗng không có thói quen chăm con, ngỗng con thường được nuôi riêng. Nếu được chăn thả tốt, ngỗng bố mẹ được đủ thì chúng sẽ thay lông nhanh chóng, hồi phục được sức khỏe và tích lũy được các chất dinh dưỡng để phát triển trứng non và chuẩn bị cho vụ đẻ sau.
Nhìn chung ngỗng lớn có khả năng thích nghi với sự thay đổi thời tiết cao. Nhiệt độ thích hợp đối với ngỗng sinh sản thường là từ 14 – 15 độ C. Nếu trời mưa lạnh thì cần che chuồng cho ngỗng và tránh gió lùa. Về mùa hè, ngỗng thường không chịu được nóng, vì thế chăn thả nên tìm nơi có bóng cây và có ao hồ nước sâu và mát để chúng bơi lội.
Xem thêm tin tức về kỹ năng chăn nuôi gia cầm tại đây.
Trích dẫn từ dantocmiennui.vn
Hồng Minh