Trưng trái cây là một thói quen, truyền thống lâu đời của người dân Việt. Vào các dịp Lễ Tết đặc biệt, mâm/ dĩa trái cây trưng càng được chú trọng hơn nữa. Việc lựa chọn các quả tươi ngon, đẹp mắt là rất cần thiết.
Vì một vài lý do mà bạn đã mua các loại trái cây trước vài hôm. Hay tủ lạnh đang có chút vấn đề nên việc bảo quản trái cây khá nan giải thì một vài mẹo đơn giản dưới đây sẽ giúp bạn bảo quản chúng tươi lâu hơn.
Mục lục
Các loại trái cây hay được trưng và ý nghĩa
Chuối: có quan niệm cho rằng chuối mang ý nghĩa sum vầy, đầm ấm, may mắn. Việc trưng chuối như lời cầu mong con cháu tụ họp đủ đầy, quây quần, bảo bọc, chở che cho nhau.
Đào: quả đào được trưng với mong cầu về sự thăng tiến trong cuộc việc, nâng cao cuộc sống.
Táo: táo được gắn với sự giàu sang, phú quý. Nhưng tại một số địa phương gọi Táo là “Bom” thì loại quả này ít xuất hiện trên mâm quả trưng.
Thanh long: tên của loại trái cây này đã bao hàm gần hết ý nghĩa – rồng thiêng uy vũ, phát lộc phát tài
Dưa hấu: bắt nguồn từ truyền thuyết xa xưa dưa hấu đã mang điềm lành, ngọt ngào và may mắn. Dưa tròn cũng mang nghĩa tròn đầy, trọn vẹn.
Đu đủ: sự đủ đầy, phồn thịnh, tấn tới.
Sung: sung túc, phát đạt, sức khỏe và làm ăn tốt đẹp.
Xoài: đọc trại đi là “xài” thường đi cùng các quả khác tạo thành câu may mắn như “cầu dừa sung đủ xài” mong tiền bạc rủng rỉnh
Phật thủ: sự chở che, giúp người thân gia đình an khang
Bưởi: lộc trời cho, phúc vận và tài vận dày rộng.
Chọn trái cây
Khâu này đặc biệt quan trọng nếu bạn muốn bảo quản quả được lâu. Nếu chọn quả không đạt chất lượng thì dù kỹ thuật bảo quản có chuẩn đến đâu cũng không giữ được quả thơm ngon trong thời gian dài.
Với từng loại quả bạn phải có sự hiểu biết và kỹ thuật chọn riêng nhưng dựa trên nguyên tắc chung:
– Quả phải tươi ngon, không xây xát. Có thể kiểm tra bằng cách cấu vào cuống và ngửi. Nếu cuống có mùi thơm, có tinh dầu nghĩa là quả tươi và không chất bảo quản.
– Quả chín vàng và cầm chắc tay. Không nên chọn những quả xanh và nắn mềm tay là quả non, được thu hái sớm để cất giữ được lâu. Những quả chín vàng, rắn là quả dưới gốc nên ngon, ngọt hơn…
Rửa trái cây
– Các loại hoa quả được mua về nên rửa lại bằng nước sạch. Cằm thật nhẹ nhàng, rửa đều hết quả.
– Dùng một ít nước muối pha loãng, ngâm trái cây trong dung dịch nước muối khoảng 5 phút (không nên ngâm lâu hơn sẽ khiến trái cây bị biến chất).
– Dùng vải mềm rửa kỹ phần cuống của trái cây, vì đây là nơi bụi bẩm bám nhiều nhất.
– Dùng khăn hoặc phơi trái cây trước gió cho vỏ quả ráo hẳn nước. Sau đó lấy rổ sắp trái cây ra để nơi thoáng mát, tránh ánh mặt trời hoặc nhiệt độ cao.
– Khi sắp trái cây với nhau, không nên chất chồng lên nhau, vì nếu để chúng đè lên nhau sẽ khiến chúng bị dập. Nên phân loại chúng ra. Các trái đã chín nên để riêng ra. Không nên để chung, vì để chúng gần nhau, các trái chưa chín sẽ bị mau chín hơn bình thường.
Bảo quản các loại trái cây khác nhau
Mãng cầu / Đu đủ
Dùng giấy báo bọc quả mãng cầu/ đu đủ lại để làm chậm quá trình phân hủy của nó. Như vậy quả sẽ chậm chín, tươi lâu hơn.
Chuối
Dùng miếng ni long hoặc màn bọc thực phẩm, bọc cuống chuối lại. Cách này giúp chuối chậm chín, để dành được lâu hơn.
Nho
Dùng các bìa cứng hoặc giấy báo quấn quanh chùm nho lại. Để từng chùm rời nhau, không xếp chồng lên, để ở nơi có nhiệt độ thấp. Như thế này bạn có thể bảo quản chúng hơn 20 ngày vẫn không sao cả.
Cam và bưởi
Dùng vôi tôi bôi vào cuống quả chúng ta có thể ngăn không cho vi khuẩn và vi sinh vật xâm nhập vào thịt cam, bưởi. Sau đó vùi vào trong cát sạch, để ở nơi kín gió khô ráo sẽ giữ được cam trong 2 tháng.
Dâu tây
Trái dâu mua về rửa sạch, để ráo, ngâm khoảng 30 giây với nước ấm 30 độ C, vớt ra để khô ráo, bọc lại với giấy sẽ bảo quản được lâu.
Xoài
Lưu trữ nhiệt độ phòng giúp xoài chưa chín giữ được hương vị thơm ngon mà không bị hư hại quá nhanh. Các hộp bảo quản và bao bì ni lông thông thoáng giúp xoài tránh bị hư hại, sâu bệnh mà không cản trở quá trình hô hấp của trái cây.
Trích dẫn từ vietnamnet.vn
Mỹ Duyên